Nhận lời mời của Khoa Vô tuyến Điện tử GS. TS. Yoshihide Yamada thuộc trường Đại học Phòng vệ Nhật Bản đã đến làm việc và giảng dạy tại Khoa từ ngày 19 đến ngày 21 tháng 5 năm 2014.
Trong thời gian làm việc tại Khoa, GS. Yoshihide Yamada đã tham gia giảng dạy các chuyên đề chuyên sâu về phương pháp tính toán và đo diện tích phản xạ hiệu dụng trong ra đa (RCS) và làm việc với nhóm nghiên cứu về ăng-ten của Khoa.
Đặc biệt, buổi giảng dạy chuyên đề về phương pháp tính toán và đo kiểm diện tích phản xạ hiệu dụng trong ra-đa diễn vào ngày 20/5 đã thu hút được sự tham gia đổng đảo của các cán bộ, giáo viên Khoa Vô tuyến Điện tử, các cán bộ thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Quân sự, Trung tâm 80 - Cục Tác chiến Điện tử.
Trong thời gian hơn 3 tiếng, GS. TS. Yoshihide Yamada đã đi sâu vào phân tích tình hình nghiên cứu về RCS trên thế giới, các phương pháp tính toán với các ưu và nhược điểm khác nhau. Đồng thời giáo sư cũng đã chia sẻ những kinh nghiệm quý báu của nhiều năm công tác trong quá trình tính toán RCS góp phần nâng cao độ chính xác tính toán và giảm thiểu được thời gian tính toán, đăc biệt là ở các dải tần số siêu cao.
Những kinh nghiệm của giáo sư trong lĩnh vực nghiên cứu về ra-đa sẽ giúp cho các nhà nghiên cưu về ra-đa của Việt Nam có thêm kinh nghiệm trong việc lựa chọn phương pháp tính toán, trang thiết bị cần thiết và phương pháp đo diện tích phản xạ hiệu dụng trong ra-đa chính xác và đạt hiệu quả cao nhất.
Ngoài buổi giảng chuyên đề, GS. TS. Yoshihide Yamada đã dành 3 buổi đến giảng dạy trực tiếp cho nhóm học viên, sinh nghiên nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực Ăng-ten Truyền sóng và Siêu cao tần với mục đích mở ra một số hướng mới trong nghiên cứu thiết kế các linh kiện cao tần sử dụng cho các trạm thu phát di động, thông tin vệ tinh và các ứng dụng cho các mục đích dân dụng khác.
Đây là lần thứ 3 GS Yamada đến giảng dạy và làm việc với Khoa. Chuyến làm việc của GS. TS. Yoshihide Yamada góp phần tiếp tục mở rộng hướng hợp tác về đào tạo và nghiên cứu khoa học giữa Khoa Vô tuyến Điện tử và Trường Đại học Phòng vệ của Nhật Bản.
Nguyễn Quốc Định, K31
Ngày 29/4 vừa qua Hội đồng đánh giá cấp Học viện đã tổ chức nghiệm thu kết quả tự đánh giá Chương trình Kỹ sư Chuyên ngành Điện tử-Viễn thông theo bộ tiêu chuẩn AUN do Khoa Vô tuyến Điện tử phụ trách. Sau khi nghe báo cáo tự đánh giá của Khoa, Chủ tịch Hội đồng đánh giá, PGS.TS. Nguyễn Lạc Hồng, Phó Giám đốc Học viện và các thành viên trong Hội đồng đã có nhận xét đánh giá tốt về kết quả đánh giá và báo cáo tự đánh giá của Khoa. Hội đồng nhất trí với kết quả tự đánh giá tổng hợp 4,8 điểm. Chương trình Điện tử-Viễn thông cũng chương trình đạt quả tự đánh giá tốt nhất trong Học viện.
AUN là viết tắt của ASEAN University Network (Mạng lưới đại học Đông Nam Á) được thiết lập từ 11/1995 bao gồm một số trường đại học nổi tiếng trong khu vực, nhằm mục đích gia tăng sức mạnh của cộng đồng các đại học thành viên trong bối cảnh toàn cầu hóa giáo dục hiện nay. Hiện đã có có 27 trường đại học đến từ 10 nước ASEAN trở thành thành viên của tổ chức này. Nhằm đẩy mạnh công tác đảm bảo chất lượng bên trong các trường đại học, AUN đã tiến hành đánh giá chất lượng giáo dục đại học theo những tiêu chuẩn đảm bảo chất lượng chung của khu vực ASEAN (ASEAN University Network - Quality Assurance, viết tắt là AUN-QA). Việc lựa chọn kiểm định theo chuẩn AUN nhằm giúp các trường biết chương trình đào tạo đã đạt đến cấp độ nào trên thang đánh giá của khu vực. Tiếp nữa, để phát hiện chương trình còn tồn tại những gì cần khắc phục nhằm đảm bảo chương trình đạt chất lượng ngang tầm các chương trình cùng lĩnh vực trong khu vực ASEAN.
Bộ tiêu chuẩn của AUN-QA có 15 tiêu chuẩn với 68 tiêu chí. Mỗi tiêu chí được đánh giá theo 7 mức là: 1 = không có gì (không có tài liệu, kế hoạch, minh chứng ); 2 = chủ đề này của hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong mới chỉ nằm trong kế hoạch; 3 = có tài liệu, nhưng không có minh chứng rõ ràng; 4 = có tài liệu và minh chứng; 5 = có minh chứng rõ ràng về hiệu quả trong lĩnh vực xem xét; 6 = chất lượng tốt; 7 = xuất sắc. Mỗi tiêu chí trong bộ tiêu chuẩn đều có trọng số như nhau, điểm đánh giá của toàn bộ chương trình là điểm trung bình cộng của cả 74 tiêu chí. 4.0 là ngưỡng điểm đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng của AUN.
Được biết, chương trình đào tạo tại Việt Nam có kết quả đánh giá AUN cao nhất hiện tại là chương trình đào tạo Cử nhân khoa học ngành Hóa học của Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội đạt 5.0 điểm.
Ngày 5/10/2013 Khoa Vô tuyến Điện tử đã tổ chức tốt hoạt động chào mừng tân sinh viên Khóa 12 ngành điện tử-viễn thông. Tham dự buổi chào mừng có đại diện Ban Chủ nhiệm Khoa, Ban chủ nhiệm các bộ môn cùng hơn 100 tân sinh viên Khóa 12 của Khoa.
Sinh viên Khóa 12 chụp ảnh lưu niệm
Mở màn cho chương trình chào mừng là các tiết mục văn nghệ sôi nổi từ CLB ghi-ta được các bạn tân sinh viên hào hứng cổ vũ. Tiếp theo sinh viên được xem phim tư liệu giới thiệu về truyền thống 45 năm của Khoa và nghe phần giới thiệu các hoạt động của Khoa, các bộ môn và đơn vị trong Khoa. Trong phần trọng tâm của chương trình các tân sinh viên đã được nghe giới thiệu về chương trình đào tạo, các định hướng và kinh nghiệm học tập bậc đại học.
CLB ghi-ta biểu diễn chào mừng tân sinh viên Khóa 12
Kết thúc chương trình, sinh viên có dịp được tham quan các phòng thí nghiệm trong Khoa và nghe giới thiệu về các nội dung thực hành thí nghiệm sẽ được học. Chương trình giới thiệu đã để lại ấn tượng tốt cho các tân sinh viên chuyên ngành điện tử-viễn thông.
Sinh viên tham quan và nghe giới thiệu về các phòng thí nghiệm trong Khoa
Được sự phê duyệt của Giám Đốc Học viện Kỹ thuật Quân sự, từ ngày 13 đến ngày 14/3/2014, Khoa Vô tuyến Điện tử đã tổ chức Hội nghị NAFOSTED lần thứ nhất về Khoa học Thông tin và Máy tính. Mục tiêu của Hội nghị là tổ chức thành công một diễn đàn khoa học cấp quốc gia về công nghệ thông tin và truyền thông theo mô hình chuẩn quốc tế.
Tới dự Lễ khai mạc, Giám đốc, GS. TSKH. Phạm Thế Long đã phát biểu chào mừng Hội nghị, đánh giá cao sự chuẩn bị của Ban tổ chức để có một hội nghị thành công, đồng thời cảm ơn Quỹ NAFOSTED đã lựa chọn Học viện KTQS là đơn vị đồng tổ chức trong lần đầu tiên. Buổi khai mạc cũng có sự hiện diện của nhiều quan chức quản lý KHCN cấp cao như GS.TSKH. Trần Văn Nhung, Tổng thư ký, Hội đồng Chức danh Giáo sư nhà nước; TS. Đỗ Tiến Dũng, Giám đốc Quỹ phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia (NAFOSTED); TS. Tân Hạnh, Phó Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông; PGS.TSKH. Phạm Thượng Cát, Tổng biên tập Tạp chí Tin học và Điều khiển học; GS.TS. Đặng Quang Á, Chủ tịch Hội đồng Khoa học máy tính. Hội nghị cũng thu hút được sự quan tâm của giới thông tấn báo chí gồm: Đài truyền hình Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Trung tâm truyền thông Bộ KH&CN, Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Tạp chí Vietnam Journal of Computer Science (Springer). Hơn một trăm đại biểu là giảng viên, các nhà khoa học, nghiên cứu sinh đang nghiên cứu về lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông đã đến dự Hội nghị. Ngoài ra, Hội nghị còn vinh dự được đón tiếp GS Nakamatsu của Trường Đại học Hyogo - Nhật Bản đến trình bày báo cáo chuyên đề.
Hội nghị NAFOSTED lần thứ nhất về Khoa học Thông tin và Máy tính bao gồm 02 báo cáo chuyên đề và 53 báo cáo khoa học liên quan đến các lĩnh vực chuyên sâu về khoa học thông tin, máy tính và truyền thông. Điểm nổi bật là Hội nghị chú trọng thành lập Ban Tổ chức và Ban Chương trình gồm các nhà khoa học có công bố ISI trên các tạp chí quốc tế. Hệ thống phản biện được thực hiện nghiêm túc thông qua hệ thống phản biện quốc tế EDAS. Mỗi báo cáo đăng ký được bình duyệt ít nhất 02 phản biện. Tỉ lệ chấp nhận báo cáo là 57% được đánh giá là một hội nghị có chất lượng tốt nhất và được tổ chức chuyên nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin truyền thông. Nhiều nhà khoa học đã phát biểu bày tỏ lòng tự hào vì có báo cáo được trình bày tại Hội nghị. Trong số đó, Học viện đóng góp 06 báo cáo khoa học trong các phiên tiểu ban. Đặc biệt, chương trình Hội nghị có bố trí một phiên thảo luận mở về các hướng tài trợ của Quỹ NAFOSTED và phương pháp xây dựng đề xuất đề tài thu hút được sự quan tâm và thảo luận của các nhà khoa học.
Bế mạc Hội nghị, TS Đỗ Tiến Dũng, Giám đốc Quỹ NAFOSTED, phát biểu cảm ơn Ban Tổ chức và đơn vị đăng cai là Học viện KTQS đã có nhiều đóng góp để tổ chức Hội nghị lần thứ nhất thành công tốt đẹp. Hội nghị lần thứ 02 sẽ được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh do Học viện Công nghệ Bữu chính Viễn thông đăng cai.
Nguyễn Quốc Định
Nhằm thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học và tham gia hội nghị quốc tế và trong nước cho giáo viên, nghiên cứu sinh, đồng thời nâng cao vị thế của Khoa trong các hoạt động khoa học quốc tế và trong nước, trong năm học 2013-2014, Khoa Vô tuyến Điện tử dự kiến tổ chức hai Hội nghị khoa học lớn như sau:
1. Hội nghị Ăng-ten Truyền sóng giữa Việt Nam và Nhật Bản (Vietnam-Japan International Symposium on Antennas and Propagation)
Ngoài các báo cáo khoa học tại Hội nghị, Hội nghị cũng dự kiến mời 4 chuyên gia hàng đầu tại Nhật Bản nói chuyện về 4 chuyên đề: Phương pháp tiểu hình hóa Ăng-ten, Phương pháp đo Ăng-ten, Phương pháp thiết kế Ăng-ten cho vệ tinh, Các công nghệ truyền thông tiên tiến.
Việc được lựa chọn là nơi lần đâu tiên đăng cai tổ chức Hội nghị quốc tế với Hiệp hội Điện tử Viễn thông Nhật Bản khẳng định vai trò của của Học viện nói chung và Khoa Vô tuyến Điện tửnói riêng trong cộng đồng nghiên cứu trong nước và quốc tế.
Thông tin thêm về Hội nghị có thể xem tại địa chỉ: http://fre.mta.edu.vn/VJISAP/
2. Hội nghị NAFOSTED lần thứ nhất về khoa học Thông tin và Máy tính (The first NAFOSTED Conference on Information and Computer Science)
Hội nghị do Quỹ phát triển Khoa học và Công nghệ (NAFOSTED) và Học viện phối hợp tổ chức nhằm mục đích thúc đẩy hoạt động công bố khoa học và tạo diễn đàn trao đổi học thuật có chất lượng cao giữa các nhà khoa học trong nước. Hội nghị sẽ diễn ra tại Học viện Kỹ thuật Quân sự từ ngày 13/3/2014 đến 14/3/2014. Nội dung của Hội nghị bao gồm: Khoa học máy tính, Trí tuệ nhân tạo, Công nghệ phần mềm và Hệ thống thông tin, Hệ thống mạng và Truyền thông. Hạn nộp bài là ngày 15/11/2013. Các bài báo khoa học được chấp nhận sẽ được đăng trong kỷ yếu của hội nghị có chỉ số ISSN do Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật ấn hành. Các bài báo có chất lượng tốt sẽ được Ban Chương trình lựa chọn biên soạn để xuất bản trong ấn phẩm của Springer.
Thông tin thêm về Hội nghị có thể xem tại địa chỉ: http://www.nafosted.gov.vn/nics2014/
Việc Khoa Vô tuyến Điện tử, Học viện Kỹ thuật Quân sự được lựa chọn là nơi lần đầu tiên tổ chức Hội nghị do Quỹ NAFOSTED tài trợ một lần nữa khẳng định vai trò và vị thế của một đơn vị có bề dày kinh nghiệm trong công tác tổ chức các Hội nghị khoa học lớn, nghiên cứu khoa học và thực hiện đề tài do Quỹ tài trợ.
Nguyễn Quốc Định